Tan Phu, Dong Nai, Viet Nam
2021 - 2022
Khu đất có hình dạng như bị tách ra làm hai mảnh, hai đầu phình to và bị thu hẹp ở giữa, trong khi phải đối mặt với một tổ hợp không gian có yêu cầu về diện tích sử dụng lớn.
Quy mô ngôi nhà dành cho một đại gia đình chỉ với một phòng ngủ cho một người ở thường trực và hai phòng không sử dụng thường xuyên. Mọi phòng ngủ đều yêu cầu phải có diện tích lớn để có thể chứa một gia đình thu nhỏ nhưng phải được gọt bớt các tiện ích công cộng để cùng đóng góp vào không gian sinh hoạt chung cho cả nhà.
Bố cục khối tập trung để giảm thiểu di chuyển, do đó gian nhà chính được đặt ngay tại nút thắt của hai mảnh phần của khu đất, từ đó cho tầm nhìn rộng ra về hai phía theo góc nhìn chéo của mỗi mảnh, một về phía sân cỏ lớn phía trước, một về sân vườn yên tĩnh phía sau. Góc nhìn chéo làm gia tăng chiều sâu thị giác của những mảnh sân. Sân cỏ phía trước được nâng lên cao dần thành thảm dốc, đặt trên đó là khối nhà để xe. Khối dáng uy nghiêm cứng cáp nhờ sự vươn cao lên của nó được xem như điểm kết thúc của ngọn dốc và báo hiệu cho chuỗi không gian trải rộng phía sau. Việc đặt khối nhà tại vị trí đặc biệt đã bất ngờ tận dụng khiếm khuyết của khu đất thành cơ hội tạo ra các cảnh quan đa dạng.
Vật liệu sử dụng chính là bê tông và đá núi lửa. Địa phương là nơi có rất nhiều đá nổi trên bề mặt sinh ra do hoạt động địa chất của núi lửa từ lâu để lại, nhưng chúng bị loại ra khỏi đất nương rẫy để thuận tiện canh tác. Các kích cỡ đá khác nhau được xếp chồng, sau đó sử dụng biện pháp cấu thành chuyên biệt để tạo khối vững chãi. Trong công nghiệp, đá khai thác bị cắt thành từng khối vuông vức, mạt vụn và các viên lỡ bị loại bỏ thành phụ phẩm. Giờ đây, bức tường đá được cấu trúc lại từ chính những mạt vụn và nhỏ lẻ, đá xuất hiện trở lại trong một phong thái khác, góp thêm phần phong phú trong biểu hiện của vật chất địa phương.