Tan Binh, Sai Gon, Viet Nam
2020 - 2023
Ngôi nhà cũ trước đây được xem như là trạm mốc lưu trú đầu tiên của những người anh em, con cháu miền Trung, là điểm tựa, nuôi dưỡng để học tập ở thời kỳ đầu bước chân vào Sài Gòn. Về sau, đây vẫn là nơi những người trước kia đã từng ra đi để trở về ghé thăm, tập hợp, sum họp gia đình, mang tính chất gần như nhà họ. Đặc trưng hoạt động tiếp đón và ăn uống của mọi người mang hình thái lưu chuyển tuần tự, do phải chứa nhiều người hoạt động có một trật tự nhất định, tự xoay vần tiếp nối liên đới với nhau thành một tiết tấu chung, như một vòng tròn. Không khí ấm cúng toát ra khi mọi hoạt động xôn xao đều đã ngừng lại.
Gian sinh hoạt chung cho cả gia đình được xem là không gian cốt lõi của ngôi nhà, được bố trí ở phía sau nhà, nhận được ánh sáng dịu buổi sáng, mát vào buổi chiều, luôn yên tĩnh, kết nối mật thiết với không gian ăn bên dưới bởi sàn xà gỗ thưa. Nó cũng mang tính đa năng khi có thể tải số lượng trẻ em đông đảo trong một số ngày cuối tuần để chơi đùa mà vẫn có thể giao tiếp được với người lớn ngay gian bếp bên dưới.
Tại tầng trệt, các khoảng trống được bố trí nối nhau thành một luồng di chuyển theo vòng tròn, từ phòng khách xuống phòng ăn và quay trở lại, xung quanh những khối trụ ở giữa. Gian bếp bố trí gọn gàng, tinh giản và linh động. Nhờ có sân sau, ánh sáng tự nhiên có mặt khắp các khoảng bên trong bếp. Giếng trời và thông tầng ở giữa nhà, mọi nơi đều nhận được ánh sáng nhẹ ban ngày.
Tại các tầng phía trên, cột tập trung co cụm tại trung tâm, chìm trong các bức tường ngăn phòng, giải tỏa kết cấu ra phía ngoại biên, tường bao sử dụng các tấm module bê tông lắp ghép mỏng, cho không gian mở rộng, trôi trượt trên phương ngang.
Một tác dụng vô hình của lớp vỏ mỏng, khi nó được nhìn ngắm từ điểm cố định của các trụ cột ở trung tâm tầng trệt. Dường như có thể vượt khỏi giới hạn vật lý, cái nhìn xuyên qua lớp vỏ, bên ngoài đó vẫn là những người Sài Gòn khác, nhưng tinh thần nhận thấy có sự vô hạn bên kia lớp vỏ, bởi sự lưu chuyển trôi dạt không có điểm dừng của những người con Sài Gòn trong vùng xuyến của dải đất miền Nam. Người Sài Gòn, tứ phương quy tụ, cố định và mong manh. Khi đó, cây cột tròn bên cạnh như cái điểm neo, chim xa bầy thương cây nhớ cội.